XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG IPv4 TRƯỚC SỰ BÙNG NỔ CỦA IPv6 & NHỮNG KHUYẾN CÁO CHO DOANH NGHIỆP
Internet, nền tảng của kỷ nguyên số, đã tăng trưởng bùng nổ trong vài thập kỷ qua, tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đã dẫn đến vấn đề cạn kiệt địa chỉ IPv4. Ra đời năm 1983 với khả năng cung cấp khoảng 4.3 tỷ địa chỉ, IPv4 không còn đủ đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng tăng với hàng chục tỷ thiết bị trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, IPv6, giao thức Internet thế hệ mới, là giải pháp tất yếu, mở ra một kỷ nguyên mới với số lượng kết nối không giới hạn. Không chỉ giải quyết vấn đề thiếu địa chỉ, IPv6 còn tạo cơ hội phát triển cho các công nghệ tiên phong như Cloud, 5G, IoT và AI, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của mạng Internet. Bài viết này sẽ phân tích tình hình thị trường IPv4 hiện nay, giới thiệu sự trỗi dậy mạnh mẽ của IPv6 và những tác động của nó đến tương lai của mạng Internet.
Biến động của thị trường chuyển nhượng địa chỉ IPv4
Trong hơn một thập kỷ vừa qua, tài nguyên địa chỉ Internet IPv4 đã trở nên khan hiếm trên toàn cầu, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chuyển nhượng địa chỉ IPv4. Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường này đã có những thay đổi lớn, với số lượng địa chỉ giao dịch giảm mạnh và giá cả ổn định hoặc giảm xuống mức ngày càng thấp hơn.
Trong năm 2024, thị trường IPv4 đã trải qua những biến động đáng kể, đặc biệt là sự sụt giảm mạnh về giá từ giữa năm, trước khi duy trì ổn định vào quý IV. Cụ thể, giá trung bình mỗi địa chỉ IPv4 của các khối địa chỉ lớn như /16 đã giảm từ khoảng 50 USD xuống 35 USD vào giữa tháng 7 và tháng 8, đến cuối năm thì chỉ còn 32-34 USD. Giá trung bình các khối địa chỉ /17-/24 dao động trong khoảng 32-36 USD/địa chỉ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là áp lực gia tăng từ phía người bán, những người tìm cách bán tháo địa chỉ trước xu hướng giảm giá kéo dài. Cùng với đó, nguồn cung dư thừa từ các tổ chức và doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng IPv4 đã làm tăng thêm áp lực lên thị trường.
Hình 1: Diễn biến về giá của thị trường địa chỉ IPv4 (theo ipv4.global)
Không chỉ suy giảm về giá mà còn có sự suy giảm về số lượng địa chỉ IPv4 chuyển nhượng từ nhiều năm trước. Dưới đây là tổng số lượng địa chỉ IPv4 chuyển nhượng trong 3 năm gần nhất từ 2022-2024. Đà suy giảm này cho thấy thị trường chuyển nhượng IPv4 đang trải qua một giai đoạn biến đổi quan trọng, đặc biệt là đối với số lượng khối địa chỉ /16.
Hình 2: Số lượng địa chỉ IPv4 chuyển nhượng trong 3 năm gần nhất (theo brandergroup.net)
Sự phát triển của IPv6, cùng với các yếu tố kinh tế và chính sách, đang làm giảm nhu cầu về IPv4, kéo theo giá cũng như số lượng chuyển nhượng của địa chỉ IPv4 có thể tiếp tục giảm. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp việc trì hoãn chuyển đổi sang IPv6 không chỉ làm tăng chi phí hiện tại (vì giá IPv4 cao hơn IPv6) mà còn có nguy cơ bị bỏ lại trong quá trình đổi mới công nghệ. Thị trường IPv4 hiện tại tuy đã tạm ổn định, nhưng các yếu tố cung cầu trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ chuyển đổi sang IPv6 và các chính sách thúc đẩy triển khai của các chính phủ và doanh nghiệp.
Xu thế không thể đảo ngược của IPv6
Sự ra đời của IPv6 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Internet, IPv6 được thiết kế với nhiều tính năng và cải tiến vượt trội. Về cấu trúc, IPv6 sử dụng địa chỉ 128 bit, cho phép tạo ra một không gian địa chỉ khổng lồ, gần như vô hạn, khác biệt hoàn toàn so với IPv4 chỉ với 32 bit. Điều này giúp giải quyết triệt để vấn đề cạn kiệt địa chỉ IP, mở đường cho sự phát triển của Cloud, 5G, IoT, AI, Blockchain ... Về hiệu suất và tốc độ, IPv6 có tiêu đề (Header) đơn giản hơn, giúp quá trình xử lý và truyền tải dữ liệu hiệu quả hơn, giảm độ trễ và tăng tốc độ truy cập. Về bảo mật, IPv6 tích hợp sẵn giao thức IPSec (Internet Protocol Security), cung cấp các cơ chế mã hóa và xác thực mạnh mẽ, giúp bảo vệ dữ liệu tốt hơn. Bên cạnh đó, IPv6 còn hỗ trợ thiết bị tự động cấu hình địa chỉ (SLAAC-Stateless Address Auto-configuration), giúp giảm thiểu cấu hình bằng tay, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dùng và doanh nghiệp, đặc biệt phù hợp với môi trường có số lượng thiết bị cực lớn như IoT.
Hình 3: Tỉ lệ người dùng IPv6 toàn cầu là 46,57% (Google, 04/01/2025)
Xu hướng áp dụng IPv6 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đã đạt được tỷ lệ triển khai IPv6 rất cao. Nhiều tổ chức và doanh nghiệp lớn trên thế giới đã và đang triển khai IPv6, ví dụ:
- Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP): Các ISP lớn như Comcast, AT&T, Verizon (ở Mỹ) hay các nhà mạng lớn tại châu Âu và châu Á đều đã triển khai IPv6 cho khách hàng của mình.
- Các nhà cung cấp nội dung (Content Providers): Các nền tảng như Google, Facebook, Netflix đều đã hỗ trợ IPv6, cho phép người dùng truy cập nội dung của họ thông qua IPv6.
- Các nhà sản xuất thiết bị: Các nhà sản xuất thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối như Cisco, Juniper, Apple, Microsoft đều đã hỗ trợ IPv6 trên các sản phẩm của mình.
Hình 4: Tỉ lệ người dùng IPv6 Việt Nam 65,5% (APNIC, 24/11/2024)
Theo số liệu mới nhất từ Google (tháng 01/2025), tỷ lệ người dùng truy cập Internet bằng IPv6 trên toàn cầu đã đạt 42,77%. Một số quốc gia như Ấn Độ, Pháp, Bỉ, Mã Lai tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ triển khai IPv6, với hơn 70% người dùng sử dụng IPv6. Tại Việt Nam, theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đến tháng 12/2024, tỷ lệ sử dụng IPv6 đã đạt 65,5% (vượt chỉ tiêu năm 2024), tăng 6,5% so với năm 2023, cao gấp 1,6 lần trung bình toàn cầu và gấp 1,6 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN, thứ bảy trên toàn cầu (tăng hai bậc so với cuối năm 2023), xếp trên Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc … VNNIC cũng đang tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ và đào tạo về IPv6 cho các doanh nghiệp và tổ chức trong nước. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn như VNPT, Viettel, FPT cũng đã và đang tích cực triển khai IPv6 cho khách hàng của mình, với mục tiêu đạt tỷ lệ phủ sóng IPv6 cao hơn trong thời gian tới.
Việc áp dụng chuyển đổi sang IPv6 có tác động trực tiếp và sâu rộng đến nhu cầu sử dụng IPv4, điều này là do:
- Giảm nhu cầu trực tiếp: Công nghệ chuyển đổi phổ biến như Dual-Stack (sử dụng song song IPv4/IPv6) và kỹ thuật Happy Eyeball (ưu tiên kết nối bằng IPv6 nếu không thành công sẽ kết nối bằng IPv4) giúp các thiết bị, dịch vụ hỗ trợ IPv6 có thể giao tiếp trực tiếp với nhau mà không cần đến IPv4, làm giảm nhu cầu kết nối thông qua IPv4.
Hình 5: Mô hình sử dụng Dual-Stack
- Giảm nhu cầu gián tiếp: Các công nghệ chuyển đổi như NAT64/DNS64 cho phép các thiết bị IPv6 Only truy cập các dịch vụ chỉ hỗ trợ IPv4. Khi số lượng dịch vụ hỗ trợ IPv6 tăng lên, nhu cầu sử dụng các công nghệ chuyển đổi này cũng sẽ giảm, kéo theo đó là nhu cầu về IPv4.
Hình 6: Mô hình sử dụng IPv6-Only
Ngoài ra, các cơ quan quản lý địa chỉ IP như APNIC, ARIN, RIPE cũng đã đưa ra chính sách hạn chế hoặc ngừng cấp phát địa chỉ IPv4 mới, khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc việc chuyển đổi sang IPv6 để đảm bảo tính bền vững trong tương lai. Những chính sách khuyến khích này, cùng với áp lực từ thị trường và nhu cầu công nghệ, đang tạo ra một xu hướng không thể đảo ngược: IPv6 sẽ dần thay thế IPv4, trở thành nền tảng chủ đạo cho mạng Internet toàn cầu.
Các khuyến cáo về chuyển đổi IPv6 cho doanh nghiệp
Trước xu hướng tất yếu của IPv6, các doanh nghiệp cần nhanh chóng lập kế hoạch và triển khai chuyển đổi sang IPv6 càng sớm càng tốt để đáp ứng nhu cầu kết nối trong tương lai. Đây không chỉ là một sự chuẩn bị cho tương lai mà còn là một kế hoạch đầu tư mang lại nhiều lợi ích thiết thực, dài hạn và đảm bảo tính kết nối liên tục trong kỷ nguyên số. Việc chuyển đổi sang IPv6 giúp doanh nghiệp không những bắt kịp xu hướng công nghệ, tận dụng tối đa những ưu điểm của giao thức mới mà còn nắm bắt cơ hội phát triển, thay vì chịu áp lực ngày càng lớn từ sự cạn kiệt của IPv4.
Hình 7: Các khóa học về IPv6 trên trang VNNIC Internet Academy
Hiện nay, có nhiều nguồn lực và chương trình hỗ trợ cho việc chuyển đổi IPv6 mà các doanh nghiệp có thể tận dụng. Các chương trình đào tạo, các hội thảo và tài liệu hướng dẫn được cung cấp bởi các tổ chức như VNNIC (Trung tâm Internet Việt Nam) và các tổ chức quốc tế như APNIC (Asia Pacific Network Information Centre) sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc triển khai IPv6. Ngoài ra, nhiều nhà cung cấp thiết bị mạng cũng cung cấp các giải pháp và hỗ trợ kỹ thuật cho việc chuyển đổi này. Để bắt đầu, doanh nghiệp cần tiến hành đánh giá cơ sở hạ tầng mạng hiện tại, xây dựng kế hoạch chi tiết gồm cả ngân sách và các bước đánh giá nhằm giảm thiểu rủi ro, đồng thời triển khai công đào tạo cho đội ngũ nhân sự kỹ thuật. Việc triển khai thử nghiệm trên một phạm vi nhỏ của hệ thống trước khi áp dụng toàn bộ sẽ giúp giảm thiểu lỗi và bảo đảm thành công cho việc chuyển đổi. VNNIC cũng đã có mô hình triển khai 10 bước 3 giai đoạn cho việc triển khi IPv6, các doanh nghiệp có thể tham khảo.
Hình 8: Mô hình triển khai 3 giai đoạn 10 bước chuyển đổi IPv6
Kết luận
Qua bài viết này chúng ta đã thấy rằng thị trường địa chỉ IPv4 đã vượt qua giai đoạn biến động và đang dần ổn định ở mức giá thấp hơn nhiều so với trước đây. Điều phản ảnh nhu cầu về địa chỉ IPv4 không còn bức thiết nữa. Điều này là do xu thế chuyển đổi mạng mẽ sang IPv6 trên toàn thế giới, một xu thế không thể đảo ngược và là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động và phát triển trong môi trường Internet ngày càng đa dạng và lớn mạnh.
Trước xu hướng này, các doanh nghiệp cần hành động sớm, chủ động lập kế hoạch và triển khai IPv6 ngay trong năm 2025. Việc chuyển đổi không chỉ mang tính kỹ thuật mà là chiến lược lâu dài, giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng công nghệ mới, tối ưu hóa hoạt động và tăng cường lợi thế cạnh tranh. Hãy sẵn sàng cho kỷ nguyên Internet mới với IPv6 – nơi kết nối không giới hạn và cơ hội phát triển không ngừng mở ra. Đừng để doanh nghiệp bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng số toàn cầu.
THAM KHẢO:
https://vneconomy.vn/techconnect//doanh-nghiep-vien-thong-dat-muc-tieu-vuon-minh-trong-nam-2025.htm
https://circleid.com/posts/ipv4-address-market-stabilizes-insights-and-trends-for-2024
https://brandergroup.net/2024/10/exclusive-insights-10-years-of-ipv4-address-transfer-statistics/
https://stats.labs.apnic.net/ipv6
https://www.google.com/intl/en/ipv6/statistics.html
Nguyễn Văn Bình - VNNIC
Bài viết cùng danh mục
-
LÝ DO NÊN CHUYỂN ĐỔI SANG IPV6-ONLY VÀ GIẢI PHÁP
-
CHUYỂN ĐỔI IPV6 CHO HẠ TẦNG INTERNET VIỆT NAM
-
SỰ CẠN KIỆT ĐỊA CHỈ IPv4 TỪ GÓC NHÌN CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG & XU HƯỚNG IPv6-ONLY
-
XU HƯỚNG HỘI TỤ CÔNG NGHỆ & TƯƠNG LAI CỦA IoT
-
MỘT SỐ KHUYẾN CÁO BẢO MẬT TRONG CHUYỂN ĐỔI SANG IPv6
-
Xu hướng và mô hình triển khai 5G độc lập và thuần IPv6
-
Hành trình từ IPv4 đến IPv6
-
10 CHỦ ĐỀ QUAN TRỌNG CẦN BIẾT KHI TIẾP CẬN IPv6 (P1)
-
10 CHỦ ĐỀ QUAN TRỌNG CẦN BIẾT KHI TIẾP CẬN IPv6 (P2)
-
So sánh những điểm tối ưu của IPv6 so với IPv4