TÊN MIỀN QUỐC GIA VIỆT NAM “.VN”: ĐỊNH DANH THƯƠNG HIỆU SỐ VÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ SỐ, XÃ HỘI SỐ TẠI VIỆT NAM
Năm 2024 là năm đánh dấu mốc kỷ niệm 30 năm kể từ khi tên miền quốc gia “.vn” của Việt Nam đầu tiên được đăng ký và xuất hiện trên bản đồ Internet thế giới, một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển Internet của quốc gia. Trong suốt hành trình 30 năm hiện diện, phát triển, tên miền “.vn” đã đóng vai trò quan trọng - định danh Việt Nam trên không gian Internet và góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế số, xã hội số.
Giá trị của tên miền quốc gia trong định danh thương hiệu số trên không gian Internet
Trong thế giới số, định danh số là một khái niệm quan trọng đảm bảo sự phân biệt và nhận dạng duy nhất các thực thể trên không gian mạng. Định danh số cho phép các tổ chức, cá nhân và hệ thống máy tính xác định và tương tác với nhau một cách chính xác. Các định danh số có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc đăng nhập vào các dịch vụ trực tuyến, giao dịch ngân hàng, truy cập vào các dịch vụ chính phủ điện tử, cho đến việc kết nối và quản lý các thiết bị trong mạng Internet vạn vật (IoT) và Tên miền, vốn là một phần không thể thiếu của định danh số, giúp chuyển đổi các địa chỉ IP khó nhớ thành tên gọi dễ nhận biết và dễ sử dụng cho mọi người trong môi trường Internet.
Tên miền mã quốc gia (ccTLD - Country Code Top Level Domain), như “.vn" của Việt Nam, “.us” của Hoa Kỳ hay “.de” của Đức, đóng vai trò thiết yếu trong việc khẳng định bản sắc số quốc gia. Mỗi ccTLD là biểu tượng của một quốc gia trên không gian mạng, thể hiện sự tự chủ và chủ quyền trong quản lý, cũng như khả năng cung cấp một nền tảng tin cậy cho các hoạt động trực tuyến.
Đối với Việt Nam, tên miền “.vn” xuất hiện đầu tiên vào năm 1994 như một biểu tượng chính thức thể hiện chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Theo dòng lịch sử, mặc dù đến cuối năm 1997, Việt Nam mới chính thức kết nối vào mạng Internet toàn cầu, nhưng chúng ta đã có tên miền “.vn” trên Internet, có quyền sử dụng và được quốc tế công nhận từ năm 1994.
Khi tên miền mã quốc gia được hòa vào mạng lưới Internet toàn cầu cũng là lúc nó mang trong mình sứ mệnh xác lập sự hiện diện và định danh cho “lãnh thổ” quốc gia trên bản đồ Internet thế giới.
Hình 1: Logo thương hiệu tên miền quốc gia “.vn”
Tên miền “.vn” không chỉ là địa chỉ trực tuyến của cá nhân, tổ chức, hay doanh nghiệp, mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu trực tuyến và mở rộng thị trường, là một kênh quảng bá hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều nền tảng online xuất hiện, thoái trào, nhiều doanh nghiệp chưa định hình được kênh tiếp cận chính để xây dựng thương hiệu, kinh doanh trực tuyến bền vững, hiệu quả.
Hình 2: Tên miền “.vn” lũy kế duy trì qua các năm (nguồn VNNIC)
Theo thống kê từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), số lượng tên miền “.vn” cuối năm 2023 đạt khoảng 610.000 tên miền, đứng thứ 2 Đông Nam Á, Thứ 10 Châu Á- Thái Bình Dương, thứ 40 toàn cầu.
Với sự gia tăng số lượng đăng ký sử dụng tên miền “.vn”, người dùng Internet Việt Nam không chỉ khẳng định được vị thế của Việt Nam trên bản đồ số thế giới, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của kinh tế số và xã hội số của nước nhà.
Tên miền quốc gia “.vn” - động lực thúc đẩy kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, tên miền quốc gia “.vn” đã và đang trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Tên miền không chỉ đại diện cho bản sắc quốc gia trên không gian mạng mà còn là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa Chính phủ với công dân, qua đó mở rộng cơ hội và tăng cường sự tương tác trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tên miền “.vn” là bản sắc số của doanh nghiệp Việt
Tên miền “.vn” góp phần tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho các doanh nghiệp trong nước trên thị trường quốc tế. Trong kỷ nguyên số, địa chỉ trực tuyến không chỉ là nơi để bày bán sản phẩm mà còn là mặt tiền số cho thương hiệu. Khi một website gắn với tên miền “.vn” không chỉ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện đây là một doanh nghiệp hoặc sản phẩm của Việt Nam mà còn tạo nên sự tin tưởng và gần gũi. Ví dụ như các thương hiệu lớn của Việt Nam trong các lĩnh vực đều sử dụng tên miền “.vn” để thể hiện rõ ràng bản sắc, mang lại giá trị tin cậy, gần gũi với khách hàng: VNPT (vnpt.com.vn), Viettel (viettel.com.vn), FPT (fpt.vn) Techcombank (techcombank.com.vn), Vinamilk (vinamilk.com.vn)…, hay các thương hiệu nước ngoài khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng sử dụng tên miền “.vn” để hướng tới thị trường khách hàng Việt, chẳng hạn như Shopee (shopee.vn), Lazada (lazada.vn)
Trên thế giới, ở các nước phát triển, số lượng tên miền, tỷ lệ doanh nghiệp SME có website rất cao, tiêu biểu là khu vực Châu Âu (70%-90%).
Hình 3: Tỷ lệ các SME có website tại Liên minh Châu Âu
Tương tự ở khu vực Châu Á tỷ lệ các doanh nghiệp có website như sau: Ấn Độ (năm 2022): Doanh nghiệp nhỏ (31,14%), Doanh nghiệp vừa (53,19%); Hàn Quốc (năm 2022): Doanh nghiệp nhỏ (68%), Doanh nghiệp vừa (79,26%); Indonesia (năm 2022): Doanh nghiệp nhỏ (30,67%), Doanh nghiệp vừa (54,97%).
Hiện nay ở Việt Nam, số lượng tên miền quốc gia “.vn” đạt 610.000 tên miền, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký sử dụng tên miền “.vn” khoảng 25% (trong tổng số khoảng hơn 900.000 doanh nghiệp cuối 2023). Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử (EBI) năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp có website chỉ đạt 44% (bao gồm cả tên miền quốc tế và tên miền “.vn”).
Hình 4: Tỷ lệ doanh nghiệp có website tại Việt Nam qua các năm
Qua số liệu thống kê cho thấy khoảng cách lớn về tỷ lệ các doanh nghiệp SME có website ở Việt Nam và các nước phát triển. Bài toán lớn đặt ra đó là nhanh chóng đưa doanh nghiệp Việt Nam hiện diện tin cậy trên môi trường Internet với các dịch vụ số (website, email…) sử dụng tên miền quốc gia “.vn” nhằm tạo bản sắc số của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh hoạt động thương mại điện tử diễn ra không chỉ trong nước mà hội nhập toàn cầu.
Tăng cường độ tin cậy trong giao dịch điện tử
Tên miền “.vn” với giá trị Nhận diện - Tin cậy - An toàn còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong các giao dịch trực tuyến. Trong môi trường thương mại điện tử, sự an toàn và bảo mật thông tin là yếu tố hàng đầu được người tiêu dùng quan tâm. Địa chỉ website hay địa chỉ email gắn với tên miền “.vn” giúp khách hàng biết rằng họ đang giao dịch với một doanh nghiệp được xác thực danh tính rõ ràng, được đăng ký chính thức và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Điều này không những góp phần tăng trưởng cho thị trường thương mại điện tử mà còn hỗ trợ người tiêu dùng trong việc đưa ra các quyết định mua hàng thông minh và an toàn hơn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của dịch vụ công
Chính phủ cũng đã và đang triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến thông qua các địa chỉ website gắn với tên miền “.vn” để giúp công dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Các dịch vụ như đăng ký kinh doanh, khai thuế, hay giáo dục trực tuyến thông qua các trang web với tên miền “.vn” không chỉ giảm thiểu sự phụ thuộc vào thủ tục hành chính giấy tờ mà còn giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của Chính phủ. Bên cạnh đó, sử dụng tên miền quốc gia trong các dịch vụ này cũng góp phần nâng cao ý thức của công dân về việc sử dụng các dịch vụ số chính thức và an toàn.
Định hình xã hội số thông qua giáo dục và y tế từ xa.
Trong lĩnh vực giáo dục và y tế, tên miền “.vn” đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc triển khai các dịch vụ từ xa. Các trường học và bệnh viện sử dụng tên miền “.vn” để cung cấp các khóa học trực tuyến và tư vấn y tế, giúp mở rộng quyền truy cập giáo dục và chăm sóc sức khỏe tới mọi miền của đất nước. Điều này không những giúp tăng cường chất lượng dịch vụ mà còn phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa và số hóa trong ngành giáo dục và y tế.
Từ phân tích trên, có thể thấy rằng tên miền “.vn” không chỉ là một phần của địa chỉ mạng mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Việc quản lý và sử dụng hiệu quả tên miền quốc gia trong kỷ nguyên số không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững mà còn hỗ trợ tích cực cho các mục tiêu chuyển đổi số của đất nước, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến một xã hội số tiên tiến và hòa nhập.
Phổ cập tên miền quốc gia “.vn”, hiện diện trực tuyến với tên miền quốc gia “.vn” và các dịch vụ số “Make in Việt Nam”.
Với vai trò định danh số và là động lực thúc đẩy hoạt động kinh tế số, xã hội số, tên miền “.vn” cần được phổ cập trong đăng ký sử dụng để mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng, hơn thế nữa vì một môi trường Internet phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Điều này đã được thể hiện trong các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số do Chính phủ ban hành.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 xác định các quan điểm, nhiệm vụ phát triển: (1) Phát triển mỗi người dân thành một doanh nhân số, mỗi doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh thành một doanh nghiệp số, ứng dụng công nghệ số để kinh doanh trên môi trường mạng. (2) Dịch vụ trực tuyến của các cơ quan nhà nước, báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, giáo dục, y tế, thương mại điện tử của Việt Nam sử dụng tên miền quốc gia “vn”.(3) Triển khai Chương trình hỗ trợ các cơ sở, cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) phản ánh môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các quốc gia được tính toán trên nhiều nhóm chỉ số, trong đó có nhóm chỉ số Sáng tạo trực tuyến, lấy tên miền quốc gia “.vn” là một trong thành tố cấu thành chỉ tiêu đánh giá của Nhóm chỉ số sáng tạo trực tuyến (cụ thể; tên miền ccTLDs trên 1.000 dân số có độ tuổi từ 15-69 tuổi). Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần trong bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, trong đó có Nhóm chỉ số Sáng tạo trực tuyến.
Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ) xác định định hướng phát triển: Tên miền “.vn” là thương hiệu quốc gia, đạt tối thiểu 1 triệu tên miền, chiếm tối thiểu 60% tên miền sử dụng ở Việt Nam; Việt Nam đứng thứ nhất ASEAN, thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu Châu Á, nhóm 20 - 30 nước dẫn đầu thế giới về tên miền.
Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022) xác định “Số lượng tên miền .vn” là một trong các chỉ số đánh giá phát triển Kinh tế số, DTI cấp tỉnh
Từ yêu cầu trên, việc phổ cập tên miền quốc gia “.vn” cùng với các dịch vụ số “Make in Việt Nam” (website/CV online, email …) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần trong việc thúc đẩy phát triển của kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phổ cập tên miền “.vn”, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đang triển khai chiến lược nhằm khuyến khích cá nhân, tổ chức, và doanh nghiệp đăng ký và sử dụng tên miền “.vn”.
Trung tâm Internet Việt Nam - Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị tham gia triển khai trong giai đoạn 2024-2025 đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một chương trình quy mô toàn quốc có tên gọi “Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện hiện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn ở các tỉnh, thành phố trên cả nước”
Phạm vi của chương trình gồm:
Đối tượng ưu đãi: doanh nghiệp thành lập trong vòng 01 năm, hộ kinh doanh có giấy đăng ký kinh doanh, công dân Việt Nam có độ tuổi từ đủ 18-23.
Chính sách ưu đãi đặc biệt: Miễn phí 2 năm đăng ký sử dụng tên miền biz.vn, id.vn và các dịch vụ số (website, email, CV online/blog) đi kèm.
Mỗi người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều có thể đăng ký, sử dụng tên miền và dịch vụ số trên nền tảng trực tuyến thông qua website chính thức tại địa chỉ https://dinhdanhso.tenmien.vn.
Hình 5: Chương trình định danh gương mặt số hỗ trợ giới trẻ tuổi từ 18-23 (đặc biệt sinh viên)
Hình 6: Chương trình định danh Thương hiệu số hỗ trợ doanh nghiệp mới thành lập và hộ kinh doanh
Mục tiêu của chương trình:
Đối với người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh: chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, sinh viên và người trẻ tuổi thiết lập thương hiệu số, định danh số với tên miền quốc gia ".vn" trên Internet; làm quen với việc hiện diện chính thức và kinh doanh trên Internet; hình thành kỹ năng số về sử dụng các phương tiện Internet để phục vụ phát triển bản thân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh.
Đối với địa phương: chương trình nhằm nâng cao số lượng tên miền quốc gia ".vn" tại địa phương, một trong các chỉ tiêu đầu vào tính chỉ số Kinh tế số của tỉnh trong bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) của địa phương; nâng cao việc cung cấp dịch vụ trực tuyến tại địa phương; phát triển kinh tế số, xã hội số bền vững, từ gốc.
Đối với quốc gia: chương trình nhằm mở rộng, tăng cường hiện diện chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; tăng tỷ lệ sử dụng tên miền quốc gia ".vn"; vn/1000 dân, tăng thứ hạng quốc gia trong chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); sử dụng rộng rãi, phổ biến tên miền “.vn” góp phần phát triển nội dung và dịch vụ trực tuyến trong nước, thúc đẩy dữ liệu người dùng của Việt Nam được được lưu trữ và quản lý tại Việt Nam; thông tin trên Internet lành mạnh góp phần giữ gìn trật tự và kỷ cương xã hội; an toàn Internet Việt Nam.
Bằng cách triển khai quy mô lớn, có sự tham gia, giám sát, thúc đẩy có trách nhiệm của hệ thống chính quyền các tỉnh, thành phố, tên miền quốc gia “.vn” và các dịch vụ số (website/CV online, email …) không chỉ thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế số mà còn góp phần vào việc tạo dựng một xã hội số đa dạng, phong phú và an toàn cho mọi người dân.
Thái Hữu Lý
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
2. Quyết định 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
3. Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
4. Thông tư 20/2023/TT-BTC ngày 13/4/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí duy trì sử dụng tên miền và địa chỉ internet, lệ phí đăng ký sử dụng tên miền quốc gia “.vn” và lệ phí đăng ký sử dụng địa chỉ Internet (IP)
5. Báo cáo Tài nguyên Internet 2024 của Trung tâm Internet Việt Nam
6.https://ictvietnam.vn/ten-mien-quoc-gia-vn-25-nam-dinh-danh-viet-nam-tren-internet-va-tao-dung-niem-tin-cho-thuong-hieu-viet-54225.html
7. https://www.wipo.int/global_innovation_index/en. Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia.
Bài viết cùng danh mục
-
Affiliate Marketing là gì? Hướng dẫn cách làm Affiliate Marketing đơn giản cho người mới bắt đầu
-
SME - Không hiện diện trực tuyến thì khó nói đến chuyển đổi số